Hy Lạp là một quốc gia có nền kinh tế phát triển cao. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hy Lạp đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 7% từ năm 1950 đến năm 1973. Các chính sách cải cách kinh tế hợp lý cùng với việc gia nhập Liên minh châu Âu đã thúc đẩy nền kinh tế Hy Lạp phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao mức sống cho người dân Hy Lạp. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Hy Lạp năm 2006 là 0,866 - đứng thứ 29 trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Hy Lạp năm 2018 là 20,570 USD.
1. CÁC NGÀNH KINH TẾ
Hy Lạp là quốc gia biển, một quốc gia có truyền thống vận tải biển từ xa xưa, thậm chí cho đến ngày nay, vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp chiếm 6,5% GDP, sử dụng khoảng 260.000 người (7% lực lượng lao động). Hy Lạp kiểm soát đội tàu buôn lớn nhất thế giới với tổng trọng tải 334.649.089 tấn và sở hữu 5226 tàu, chiếm 20% lượng tàu trên thế giới, dẫn đầu thế giới về tổng giá trị tàu với hơn 100 tỷ USD. Hy Lạp xếp hạng đầu cho tất cả các loại tàu, trong đó đứng đầu về tàu chở dầu và tàu chở hàng rời.
Dịch vụ chiếm một tỉ trọng quan trọng trong nền kinh tế Hy Lạp. Trong các ngành dịch vụ, Hy Lạp đặc biệt phát triển ngành du lịch, vốn là thế mạnh của nước này với rất nhiều khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và các công trình văn hóa lịch sử độc đáo. Du lịch là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Hy Lạp và đóng góp tới 15% GDP, đồng thời tạo ra nhiều việc làm lớn cho người dân Hy Lạp. Năm 2016, Hy Lạp đón tiếp khoảng 28 triệu du khách quốc tế đến tham quan.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác như ngân hàng, tài chính, viễn thông, sản xuất các thiết bị công nghệ cao cũng phát triển mạnh tại Hy Lạp. Nước này cũng có lợi thế về kinh tế biển với rất nhiều cảng nước sâu và một ngành công nghiệp đóng tàu hùng mạnh. Các ngành công nghiệp quan trọng khác ở Hy Lạp là dệt, hóa chất, khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm. Nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng nhỏ song vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các loại cây trồng chủ yếu ở Hy Lạp là lúa mì, lúa mạch, ôliu, hoa hướng dương, cà chua, cam, chanh...
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của Hy Lạp như sau: dịch vụ chiếm 85,0%, công nghiệp 12,0% và nông nghiệp 3,0%.
2. THƯƠNG MẠI
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hy Lạp là nhiên liệu khoáng sản (37%), hàng tiêu dùng (13%), thực phẩm và động vật (12%), hóa chất (9%), máy móc và trang thiết bị (7%), các sản phẩm khác (6%), và các nguyên liệu thô trừ nhiên liệu (4%). Các thị trường xuất khẩu chính của nước này bao gồm Đức, Ý, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Mỹ.
Các mặt hàng nhập khẩu của Hy Lạp bao gồm nhiên liệu khoáng sản (34%), máy móc và phương tiện vận tải (14%), hóa chất (13%), thực phẩm và động vật sống (10%), hàng tiêu dùng (9%), các sản phẩm khác (8%). Các thị trường nhập khẩu chính của nước này là Đức, Ý, Trung Quốc, Hà Lan và Pháp.
3. ĐẦU TƯ
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1960-1980), Hy Lạp chỉ chú trọng tới đầu tư trong nước nhưng từ những năm 1980-1990 trở lại đây, Hy Lạp bắt đầu quan tâm đầu tư ra nước ngoài (FDI). Tổng FDI từ năm 2005 đến 2016 của Hy Lạp ra nước ngoài trên 19 tỷ USD, chủ yếu tập trung tại các nước khu vực Balkan (Bulgaria, Romania, Albania, Serbia…). Hy Lạp là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Serbia, Bulgaria và Albania, chủ yếu trong các ngành: dịch vụ (ngân hàng, tài chính, viễn thông, bảo hiểm, du lịch), công nghiệp (chế biến thực phẩm, dệt may, xây dựng…).
Hy Lạp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Hy Lạp với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đồng thời giao cho nhiều cơ quan phụ trách (Cơ quan phụ trách Đầu tư vào Hy Lạp, Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Athens, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kinh tế và tài chính...). Tính từ 2005 đến hết năm 2015, đầu tư nước ngoài vào Hy Lạp đạt 38,6 tỷ USD (phần lớn từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Síp..), tập trung vào các ngành: du lịch, năng lượng, hóa chất, viễn thông, ngân hàng. Trong những năm gần đây, Hy Lạp đã có một làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản từ các nhà đầu tư châu Á, dựa vào Chương trình Thị Thực Vàng.